Thị trường xuất hiện "sóng ngầm" bán tháo BĐS

Hiện nay, nhiều chủ đầu tư trong nước đang “rục rịch” bán các dự án bất động sản (BĐS) để rút lui khỏi thị trường sau hàng loạt thương vụ M&A các dự án đình đám.

Nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Handico Nguyễn Văn Cửu cho biết, đây là thời điểm tốt cho việc chuyển nhượng, mua bán và hợp tác. Dù chưa vào quỹ đạo nhưng cơ chế chính sách, giá trên thị trường đã ổn định. Vì thế, nhà đầu tư có thể tính toán và quyết định có tham gia vào thị trường thời điểm này hay không.

Danh sách các BĐS được bán ra thị trường thời gian gần đây khá đa dạng, từ cao cấp tới bình dân và đi kèm với sản phẩm là rất nhiều lý do khiến các chủ đầu tư không còn hứng thú với dự án. Đơn cử, Công ty Phương Minh đang muốn bán lại Dự án khu biệt thự và nhà liền kề có quy mô 2,65 ha tại xã Quy Đức, huyện Bình Chánh, Tp.HCM với mức giá khoảng 100 tỷ đồng. Hiện nay, dự án đã làm xong hạ tầng đồng bộ và trồng cây. Trao đổi với phóng viên, tổng giám đốc công ty cho biết, công ty có ý định bán gọn cả dự án để lấy tiền đầu tư vào lĩnh vực khác. Vị giám đốc này nói: "Đừng nói hòa vốn, thậm chí có lỗ một chút, công ty cũng quyết định bán".

Nhiều nhà đầu tư thứ cấp cũng đổ xô bán tháo BĐS bên cạnh các dự án lớn, đó chủ yếu là các sản phẩm biệt thự liền kề, đất nền chia lô. Tại khu vực Hà Nội hoặc Tp.HCM, phần lớn những lô đất này ở xa trung tâm, được các nhà đầu tư mua lúc thị trường đang "sốt" nên giờ muốn bán đi để thu hồi vốn.

Theo một khách hàng tại Dự án Khu đô thị An Thịnh (huyện Hóc Môn, Tp.HCM), khách hàng này có 2 lô đất ở đây, tuy đã rao bán 3 năm nhưng vẫn chưa ai mua dù xác định mức giá nào cũng bán.

Anh Trung, một môi giới tại quận Thủ Đức cho biết, muốn bán được đất thời điểm này phải bán giá thấp, chứ đừng mong gỡ lại vốn. So với thời điểm cách đây 3 năm, nhiều lô đất giá trị hiện tại chỉ còn phân nửa nhưng khách hàng vẫn ít quan tâm. Những lô lớn rất khó bán, chủ yếu giao dịch thành công ở những lô đất có diện tích vừa phải khoảng 70-100m2.

Bên cạnh đó, tại các địa phương khác, số lượng BĐS được chào bán cũng tương đối nhiều. Do được chào mua nhiều dự án, vài tháng gần đây, Công ty Tổ chức nhà quốc gia NHO đã chuẩn bị nguyên đội hình để tự thẩm định giá trị các dự án mà không cần thông qua môi giới. NHO đã đặt ra tiêu chí chọn dự án là đáp ứng nhu cầu của thị trường và phù hợp với chiến lược kinh doanh của công ty, chứ không căn cứ theo giá rẻ. Vì thế, một số dự án tại Huế hay Đắk Lắk đã được chào bán cho NHO.

Các dự án như khu nghỉ dưỡng cao cấp, resort các nhà đầu tư trong nước thường hướng tới các đối tác nước ngoài bởi giá chuyển nhượng khá lớn. Đối với phân khúc này, khó có thể đánh giá chủ đầu tư có bán tháo hay không vì giá chuyển nhượng không được các bên tiết lộ. Tuy nhiên, phải khẳng định để có thể sở hữu dự án này chủ đầu tư phải có tiềm lực nhất định. Vì thế, không như những nhà đầu tư nhỏ, áp lực buộc phải bán tháo dự án đối với họ không lớn.

Trao đổi với phóng viên, chủ đầu tư Dự án Khu du lịch Quốc tế Đồi Rồng tại Đồ Sơn (Hải Phòng) cho biết, dự án có quy mô 480 ha, hiện đã san lấp gần xong mặt bằng, đạt chuẩn quốc tế với vị trí đẹp bậc nhất Đồ Sơn. Hiện nay, nếu có đối tác muốn chuyển nhượng một phần dự án hoặc mua lại, công ty cũng sẽ bán, nhưng phải có lãi, chứ không bán tháo.

Tổng giám đốc Công ty TECCO Trần Hải Minh nhận định, BĐS cao cấp nhằm vào đối tượng khách hàng có tiền, trong đó có không ít nhà đầu tư, còn phân khúc căn hộ dù giá thấp hay cao thì đối tượng người mua là những người có nhu cầu thực. Hiện nay, thị trường BĐS đang bước vào chu kỳ đầu tư chuyên nghiệp, chứ không còn như trước nên việc BĐS bán tháo cũng thuận theo xu thế thị trường.

                                                                                                                                Buildtech.com.vn

Login Form