Tin mới

Những đại gia địa ốc mới nổi với chiến lược kinh doanh táo bạo

Nếu giai đoạn 2007 - 2010, thị trường BĐS Việt Nam từng phát triển quá nóng với sự ra đời của đội ngũ “đại gia giàu xổi” hùng hậu và nhanh chóng "xẹp" theo thị trường, thì nay, trải qua thời kỳ khốn khó, địa ốc lại là mảnh đất màu mỡ cho những đại gia mới nổi với chiến lược kinh doanh táo bạo.

Tại thị trường Hà Nội, giới BĐS ít người không biết đến ông Trịnh Văn Quyết- Chủ tịch Tập đoàn FLC. Ông Quyết sinh năm 1975, quê gốc tại Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc. Trước đây, ông từng theo học nghề điện tử, rồi học Luật và thành lập Văn phòng luật sư SMIC.

Vào năm 2008, khi thị trường BĐS tại Hà Nội đang từng bước lên đỉnh sốt, giống như các doanh nhân trẻ khi đó, ông Quyết cũng lao vào lĩnh vực này bằng việc thành lập FLC Group, chuyên phát triển các dự án BĐS.

Nhập cuộc chơi địa ốc đúng vào thời điểm thị trường sôi động nhất, doanh nghiệp của ông Quyết đã gặt hái được những thành công tại dự án đầu tay, trong đó có FLC Landmark Tower nằm trên đường Lê Đức Thọ (quận Nam Từ Liêm). Thế nhưng, sau đó, khi thị trường suy thoái, FLC cũng từng rất khốn đốn với dự án đầu tay này. Vì dù đã hoàn thiện dự án, nhưng doanh nghiệp vẫn không thể thu được tiền từ khách hàng do một bộ phận không nhỏ người mua nhà là những nhà đầu tư, đầu cơ, cũng lao đao về vốn.

Sau khi vượt qua khó khăn tại FLC Landmark Tower, ông Quyết tiến hành thâu tóm hàng loạt khu “đất vàng” của các doanh nghiệp đang lâm cảnh khó khăn. Hầu hết những lô đất mà FLC mua lại sau đó đều trở thành “hàng nóng” hoặc có xu hướng sẽ trở thành “hàng nóng” của thị trường, đơn cử như Dự án FLC 36 Phạm Hùng, Dự án FLC Garden City Đại Mỗ hay Dự án FLC Star Tower Lê Trọng Tấn (quận Hà Đông).

Chiến lược thâu tóm, mua lại các lô đất tại vị trí đắc địa của những doanh nghiệp gặp khó khăn hiện vẫn được ông Quyết tiếp tục thực hiện, khi mới đây, khu đất vàng tại số 265 Cầu Giấy đã về tay FLC để triển khai tòa tháp đôi có vốn đầu tư dự kiến khoảng 5.000 tỷ đồng.

Không chỉ đầu tư tại Hà Nội, FLC Group hiện cũng đang là chủ đầu tư của nhiều dự án với vốn đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng tại nhiều địa phương khác nhau. Đơn cử, Dự án Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn  tại Thanh Hóa, với số vốn đầu tư lên đến 5.500 tỷ đồng hay Dự án FLC Quy Nhơn tại Bình Định với quy mô gần 300 ha, vốn đầu tư dự kiến là 3.500 tỷ đồng, …

Tuy nhiên, việc ông Quyết cùng FLC thâu tóm hàng loạt khu đất, đầu tư hàng loạt dự án với vốn đầu tư cả nghìn tỷ đồng cũng khiến không ít người nghi ngờ về năng lực triển khai dự án của tập đoàn này. Thế nhưng, thực tế cho thấy, phần lớn những dự án mà FLC đầu tư, triển khai đến nay đều có tiến độ lẫn “đầu ra” khá tốt. Điều này càng cho thấy, FLC đang ngày một lớn mạnh cùng sự hồi phục của thị trường BĐS.

Ông Trần Đăng Khoa - Đại gia kín tiếng


Ông Trần Đăng Khoa, Chủ tịch CTCP Đại Quang Minh là một đại gia địa ốc khá kín tiếng

Mặc dù là một cái tên khá đình đám trong giới địa ốc, nhưng ông Trần Đăng Khoa dường như đứng sau mọi ồn ào, thị phi của thị trường. Từ khi tạo lập sự nghiệp đến nay, ông Khoa rất ít khi xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, dù không ít dự án BĐS ông tham gia thực hiện và làm chủ đầu tư đã và đang trở thành biểu tượng ở cả Hà Nội và Tp.HCM.

Tại Hà Nội, ông Khoa được giới BĐS biết đến với vai trò là trợ lý của Chủ tịch Công ty Keangnam Vina, chủ đầu tư của tổ hợp Dự án Keangnam Hà Nội. Tiếp theo, là vai trò Chủ tịch của Công ty CP Đầu tư Mai Linh, chủ đầu tư Dự án Golden Palace Mễ Trì đồng thời là ông chủ của Công ty CP BĐS Hồng Ngân.

Dự án Golden Palace do ông Khoa làm chủ đầu tư gồm có 3 tòa tháp, với 1.000 căn hộ. Việc triển khai dự án trong vài năm kéo theo nhiều lùm xùm, nhất là vụ tranh chấp thương hiệu Golden Palace với Công ty HUD 3. Tuy nhiên, chưa bao giờ ông Khoa lộ diện trên các phương tiện truyền thông. Nguyên nhân là vì, vợ ông - bà Nguyễn Thị Minh Hồng là người đảm nhiệm vai trò truyền thông và điều hành công ty.

Thời gian qua, ông Khoa bắt đầu có xu hướng co hẹp hoạt động tại thị trường Hà Nội nên đã bán bớt phần lớn cổ phần và chuyển nhượng các dự án mà Công ty BĐS Hồng Ngân làm chủ đầu tư cho đối tác là một công ty con thuộc Tập đoàn Vingroup.

Trong khi đó, Công ty CP Đầu tư Mai Linh của ông Khoa lại đang có xu hướng phát triển mạnh thương hiệu Golden Palace tại Hà Nội với việc tiếp tục triển khai một dự án quy mô nữa trên đường Lê Văn Lương, cũng mang tên Golden Palace. Đồng thời Mai Linh cũng tiếp tục mở rộng đầu tư BĐS khi xin đầu tư Dự án tổ hợp tháp dầu khí, với vốn đầu tư dự kiến lên đến 1 tỷ USD tại Xã Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm.

Nếu tại Hà Nội ông Khoa khá kín tiếng thì tại thị trường phía Nam, cái tên Trần Đăng Khoa lại khá nổi bật khi ông là người tham gia sáng lập, giữ chức Chủ tịch HĐQT và nắm đến 17% cổ phần của Công ty CP Đại Quang Minh. Đây là một doanh nghiệp đang tham gia thực hiện những dự án "khủng" tại Bán đảo Thủ Thiêm, Tp.HCM.

Cụ thể, Đại Quang Minh hiện đang tham gia thực hiện nhiều dự án hạ tầng quan trọng như: Cầu Thủ Thiêm 2, tuyến đường R1,R2,R3, R4 trên Bán đảo Thủ Thiêm, phát triển dự án tại nhiều lô đất, trong đó, đáng chú ý nhất là KĐT cao cấp Sala, quy mô lên đến 130 ha cũng tại Bán đảo Thủ Thiêm. Dự án này bán được những sản phẩm đầu tiên, đem lại trái ngọt cho Đại Quang Minh.

Việc giá BĐS khu Bán đảo Thủ Thiêm tăng mạnh trong mấy năm trở lại đây càng khiến nhiều người biết đến cái tên Đại Quang Minh, Trần Đăng Khoa.

“Bà trùm” Nguyễn Thị Nguyệt Hường


Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Chủ tịch VID Group

Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường hiện là Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ của VID Group - một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực phát triển khu công nghiệp. Tập đoàn này hiện đang là chủ đầu tư của 8 KCN lớn trên cả nước, với tổng vốn đầu tư lên đến hơn 1.200 tỷ đồng.

Mặc dù tập trung chủ yếu vào lĩnh vực phát triển KCN nhưng gần đây VID Group cũng bắt đầu chuyển hướng dần sang lĩnh vực BĐS.

Cụ thể, mới đây, VID Group vừa góp tới 60% vốn tại Công ty CP BĐS Hanovid để được tham gia triển khai Dự án tổ hợp Goldsilk Complex tại Cầu Am, Vạn Phúc, Hà Đông.

Ngoài ra, bà Hường cũng được biết đến với vai trò là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TNG Holdings, đơn vị được cho là nắm giữ số cổ phần lớn tại Công ty CP Đầu tư và phát triển BĐS TNR Holdings Việt Nam. Tuy nhiên, tỷ lệ cổ phần cụ thể, mức độ chi phối đối với công ty này ra sao hiện vẫn là ẩn số chưa được hé lộ.

Được biết, TNR Holdings Việt Nam hiện nay chính là đơn vị quản lý và phát triển Dự án Goldmark City. Đây là dự án có quy mô khoảng 5.000 căn hộ cao cấp, do Công ty địa ốc Việt Hân làm chủ đầu tư. Trước đó, Dự án này từng bị “đắp chiếu” trong nhiều năm và sau khi được TNR Holdings "hà hơi" nay đã khởi động trở lại.

Dự án thứ hai mà TNR Holdings tham gia quản lý và phát triển là Dự án Goldsilk Complex tại Hà Đông, Hà Nội. Mới đây, tập đoàn này còn trở thành đơn vị quản lý và phát triển của Dự án Gold View tại quận 4, Tp.HCM.

Con số các dự án, khu đất của doanh nghiệp mà bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường đứng tên, góp cổ phần mua lại và được quyền phát triển hiện vẫn chưa được công bố cụ thể, và dù chỉ mới bắt đầu bước chân sang lĩnh vực BĐS nhưng dấu ấn của bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường trên thị trường đã khiến không ít người phải kinh ngạc. 

                                                                                                               Buildtech.com.vn

Hòa Bình bán lại tòa tháp cao 22 tầng

Sáng hôm qua (27/7), Công ty CP Bán đấu giá Lạc Việt đã tổ chức phiên đấu giá Tòa tháp quốc tế Hòa Bình. Tòa tháp này tọa lạc tại số 106 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội với chiều cao 22 tầng.

Đây là tòa tháp được chủ đầu tư thiết kế cả bãi đỗ máy bay trên nóc toà nhà. Giá khởi điểm đưa ra tại phiên đấu giá là 705 tỷ đồng. 

Theo ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch kiêm TGĐ Công ty TNHH Hòa Bình thì Tòa tháp quốc tế Hòa Bình (tên dự án) đạt tiêu chuẩn quốc tế. Dự án được đưa vào khai thác từ năm 2006, với công suất cho thuê cao, luôn đạt tỷ lệ lấp đầy trên 90%. Hiện tại số lượng khách thuê là 48 doanh nghiệp trong và ngoài nước với mức thuê dao động từ 15 đến 42 USD tháng. Tổng doanh thu hàng năm của dịch vụ cho thuê văn phòng và quảng cáo khoảng 3 triệu USD/năm.

Công trình có chiều cao 22 tầng nổi và 2 tầng hầm trên tổng diện tích 1.952m2. Tại phiên đấu giá ngày hôm qua, phần thắng thuộc về Công ty TNHH quản lý bất động sản An Cư với mức giá đưa ra là 735 tỷ đồng.  

                                                                                                                                 Buildtech.com.vn

Hạ tầng sẽ là chất xúc tác thúc đẩy thị trường BĐS tăng trưởng

Thị trường bất động sản (BĐS) tiếp tục có các dấu hiệu phục hồi tốt với những kỳ vọng về tác động tích cực từ Luật Kinh doanh BĐS, Luật Nhà ở sửa đổi đã có hiệu lực từ 1/7.

Từ đầu năm 2015 đến nay, thị trường đã đón nhận 5.137 căn hộ từ 19 dự án được mở bán, tăng 93% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, số lượng căn hộ cao cấp tiếp tục chiếm tỷ lệ tăng dần trong tổng số căn hộ mở bán mới. Số căn hộ cao cấp đã tăng gấp ba lần so với quý trước, với 1.518 căn hộ.

Tại phân khúc cao cấp, mặc dù mặt bằng giá đã tăng nhưng tỷ lệ giao dịch căn hộ cũng tăng lên. Ước tính, có khoảng 4.480 căn hộ đã được giao dịch trong quý vừa qua, tăng 80% so với cùng kỳ năm trước. Thống kê trong 2 quý đầu năm 2015 cho thấy, lượng giao dịch căn hộ cao cấp chiếm khoảng 22% trong tổng số giao dịch, tăng cao so với tỷ lệ 6% của năm 2013 và 18% của năm 2014. Trong khi đó, phân khúc căn hộ bình dân, nhóm sản phẩm từng giữ được sức hút trong một thời gian dài thì lại tỷ lệ giao dịch lại giảm. Trong hai quý đầu năm, tỷ lệ giao dịch căn hộ bình dân chỉ chiếm 26% trong tổng số cơ cấu giao dịch hàng hóa BĐS. Đây là con số sụt giảm đáng kể so với tỷ lệ 49% của năm 2013 và 33% của năm 2014.

Hiện giá bán của căn hộ cao cấp đã tăng khoảng 4 - 6% so với năm trước, nhất là những dự án có vị trí tốt, không quá xa trung tâm thành phố, hoặc gần các công trình cơ sở hạ tầng quan trọng đang được triển khai...

Theo nhận định của các chuyên gia, trong thời gian tới, cơ sở hạ tầng sẽ tiếp tục là yếu tố xúc tác khiến các dự án mới cũng như các chủ đầu tư, nhà đầu tư tham gia mạnh hơn vào thị trường. Hơn nữa, do thị trường BĐS đang trên đà hồi phục vững chắc nên một số dự án hạng sang và cao cấp bắt đầu khởi động lại và triển khai để đón đầu cơ hội. Với hành lang pháp lý mới, thị trường BĐS được dự báo sẽ ngày càng trở nên minh bạch hơn.

                                                                                                                  Buildtech.com.vn

"Điểm mặt" loạt dự án BĐS chậm tiến độ sẽ bị Hà Nội thu hồi

Nhiều dự án BĐS chậm tiến độ do chủ đầu tư không đủ năng lực thực hiện vừa bị Sở Xây dựng Hà Nội kiến nghị UBND TP. Hà Nội tiến hành thu hồi giấy chứng nhận đầu tư hoặc thay đổi chủ đầu tư.

Kiến nghị trên được thực hiện ngay sau khi Sở Xây dựng Hà Nội có kết quả về cuộc kiểm tra, rà soát các dự án chậm tiến độ, gây mất mỹ quan trên địa bàn thủ đô.

Trường hợp thứ nhất là Dự án tòa nhà chung cư văn phòng hỗn hợp Sky Garden nằm trong ngõ 115 Định của chủ đầu tư là Công do Công ty TNHH Định Công. Dự án này có quy mô gồm 28 tầng nổi, 2 tầng hầm, 1 tầng kỹ thuật và 1 tầng mái đã được TP Hà Nội cấp phép xây dựng từ ngày 31/12/2011. Tuy nhiên, đến nay, dự án mới xây đến tầng 8 và 1 tầng hầm. Theo phản ánh từ cơ sở, nguyên nhân dự án bị ngừng thi công là do hiện tại các cán bộ, công nhân viên của Công ty cũng như các các cơ quan, đơn vị có giao dịch công tác với Công ty này đều không thể liên hệ được với Giám đốc Công ty TNHH Định Công.

Trường hợp thứ hai là Dự án Tòa tháp Doanh Nhân, tại phường Mộ Lao, Hà Đông. Dự án này do Công ty Anh Quân làm chủ đầu tư, được cấp phép xây dựng vào năm 2008, khởi công vào tháng 1/2010. Đến nay, sau gần 5 năm nhưng dự án mới thi công được phần tường vây, cọc trong tường vây, cọc khoan nhồi. Hiện chủ đầu tư mới đang tiến hành đào đất chuẩn bị thi công phần thân và tầng hầm.

Tiếp theo là Dự án Khu dịch vụ, văn phòng và nhà ở tại số 131 Thái Hà, quận Đống Đa. Dự án này do Công ty TNHH Kinh doanh tổng hợp Huy Hùng làm chủ đầu tư, được cấp phép xây dựng từ năm 2005. Tuy nhiên, sau khi xây dựng được 2 tầng hầm, 3 tầng kỹ thuật và 11 tầng nổi thì dự án phải tạm dừng thi công cho đến nay.

Một dự án nữa là Dự án Siêu thị, văn phòng tại số 198B Tây Sơn, mặc dù được cấp phép xây dựng từ năm 2009 nhưng đến nay cũng mới chỉ xong phần thô. Theo quy mô được duyệt, công trình dự án có chiều cao 21 tầng do Liên doanh đầu tư tài chính Hòa Bình làm chủ đầu tư.

Sở Xây dựng cho biết, nguyên nhân khiến các dự án trên bị chậm tiến độ chủ yếu là do bị đình chỉ thi công vì vướng mắc trong các khâu như hoàn thiện hồ sơ pháp lý, nguồn vốn, năng lực tài chính của chủ đầu tư… Như vậy, trách nhiệm chính vẫn thuộc về các chủ đầu tư dự án.

Qua rà soát, kiểm tra, Sở Xây dựng cũng chỉ ra rằng, các dự án trong tình trạng chậm tiến độ nêu trên hiện đang ảnh hưởng không tốt đến mỹ quan đô thị, gây tâm lý hoài nghi trong quần chúng nhân dân và bức xúc cho khách hàng, chủ đầu tư thứ cấp. Vì vậy, Sở Xây dựng kiến nghị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư hoặc thay đổi chủ đầu tư để các dự án có thể được triển khai tiếp.

                                                                                                   Buildtech.com.vn

Doanh nghiệp BĐS "bắt tay" với đại gia ngoại để phát triển dự án

Thị trường bất động sản (BĐS) bùng nổ mạnh mẽ từ các chủ đầu tư nội địa mạnh dạn “bơm” tiền phát triển dự án, những dòng vốn ngoại cũng ào ạt “chảy” vào BĐS sau khi các quy định cho phép Việt kiều, người nước ngoài được thoải mái mua nhà tại Việt Nam có hiệu lực.

Liên kết với "đại gia" BĐS nước ngoài

Mới đây (ngày 26/7), ông Nguyễn Bá Sáng, Chủ tịch HĐQT Công ty An Gia Investment đã "bắt tay" với tỷ phú Toshihiko Muneyoshi, Chủ tịch Quỹ đầu tư Creed Group (Nhật). Theo đó, Creed Group sẽ rót 200 triệu USD cho vay mua dự án, mua lại cổ phần và đầu tư vào những dự án nhà ở của Công ty An Gia Investment, nâng tổng lượng vốn đầu tư vào Tp.HCM lên tới300 triệu USD.

Cùng ngày, đại diện Công ty Khang Điền cho hay, doanh nghiệp đã làm việc với quỹ đầu tư Dragon Capital và VinaCapital. Các quy này cam kết sẽ tiếp tục “bơm” vốn vào Công ty Khang Điền. Trước đó, Dragon Capital và VinaCapital đầu tư hơn 20 triệu USD và 26 triệu USD vào công ty này. Bên cạnh đó, các quỹ Vietnam Holding, SAM, Mutual Fund Elite... cũng tham gia vào Khanh Điền. Hiện nay, công ty này là một trong các doanh nghiệp BĐS đã kín room sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (49%), tương đương với hơn 1.350 tỷ đồng.

Vừa qua, Quỹ đầu tư Warburg Pincus (Mỹ) cũng đã tiến hành đầu tư tiếp 100 triệu USD vào Công ty Vincom Retail (nằm trongTập đoàn VinGroup). Như vậy, quỹ này đến nay đã đầu tư vào Vincom Retail tổng cộng là 300 triệu USD. Vincom Retail hiện phát triển chuỗi trung tâm thương mại lớn nhất Việt Nam mang thương hiệu Vincom với 20 trung tâm thương mại đã đi vào hoạt động hoặc đang thực hiện và dự kiến còn phát triển thêm nhiều nữa. Hồi đầu tháng 7, Quỹ đầu tư GEM (Mỹ) cũng đã công bố sẽ đầu tư 20 triệu USD vào Công ty Hoàng Quân nhằm tập trung đầu tư và phát triển những dự án nhà ở xã hội.

BĐS thu hút vốn ngoại

Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay, tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm và cấp mới là 5,49 tỷ USD. Trong số đó, lĩnh vực BĐS đứng thứ 2 về thu hút lượng vốn FDI chỉ sau ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Người nước ngoài chân qua biên giới là mua được nhà

Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) Nguyễn Mạnh Hà cho biết, Luật Nhà ở cho phép cá nhân, tổ chức nước ngoài chỉ cần nhập cảnh vào Việt Nam là được mua và sở hữu nhà tại Việt Nam. Tổ chức cũng được quyền mua nếu như được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Điều này sẽ thu hút vốn nước ngoài, kích thích đầu tư vào Việt Nam, là hình thức xuất khẩu BĐS tại chỗ. Nhu cầu về nhà ở trong những năm tới rất cao khi tỷ lệ đô thị hóa tới gần 50%. Chỉ riêng nhu cầu mỗi năm về nhà ở đô thị cần 35 triệu m2.

Ông Toshihiko Muneyoshi đã lý giải về việc thị trường BĐS “hút” mạnh mẽ dòng vốn ngoại. Theo ông, nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu rộng. Xét ở tầm tầm vĩ mô, Chính phủ đang đàm phán sắp xong Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Khi Hiệp định này được ký kết sẽ mở ra cơ hội rất lớn để kinh tế Việt Nam thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài lớn. Thêm nữa, dân số Việt Nam lớn và trẻ so với các quốc gia cùng khu vực nhưng số lượng nhà ở vẫn còn hạn chế. Do đó, thị trường sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Ngoài ra, nhiều chính sách pháp luật về lĩnh vực đất đai thông thoáng mở rộng cửa cho người nước ngoài mua nhà ở đã tạo ra sức hấp dẫn cho thị trường, cùng với chi phí lãi vay thấp, tín dụng linh hoạt đang tạo cơ hội rất tốt cho doanh nghiệp BĐS phát triển và người dân mua nhà.

Sau một thời gian dài “ngủ đông”, thị trường hiện nay đang bước vào chu kỳ bùng nổ nên trong thời gian sắp tới, chắc chắn giá cả và giao dịch nhà ở sẽ còn tăng thêm nữa. Ông Toshihiko Muneyoshi cam kết, nếu thị trường BĐS, quỹ này có thể đầu tư vào thị trường nói chung và An Gia nói riêng cả tỷ USD. Ông đã quan sát ở nhiều nước như Hà Quốc, Nhật, Trung Quốc... khi thị trường đang bùng nổ như ở Viện Nam hiện nay các công ty BĐS có thể tăng trưởng trong một khoảng thời gian ngắn. Quỹ đặt lợi nhuận ở thị trường Việt Nam là 20%.

Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM Lê Hoàng Châu cho biết, trước làn sóng đầu tư mạnh mẽ của nguồn vốn ngoại vào BĐS Việt Nam, những doanh nghiệp trong nước như Phú Mỹ Hưng, Novaland, Vingroup... dành hẳn những chương trình bán nhà cho người nước ngoài và Việt kiều. Kết quả là cả giá cả và giao dịch đều tăng trong thời gian vừa qua.

Theo Tổng giám đốc CBRE Việt Nam Marc Townsend, luật mở rộng cửa cho người nước ngoài, Việt kiều thoải mái mua nhà tại Việt Nam đã thúc đẩy thị trường này tăng trưởng mạnh mẽ với hơn 10.000 căn đã tiến hành giao dịch thành công từ đầu năm tới nay. Nếu trước đây (giai đoạn 2012-2013), người mua nhà chủ yếu lựa chọn căn hộ ở phân khúc bình dân thì giờ đã dịch chuyển sang cao cấp khi có khoảng 5.800 căn hộ chung cư cao cấp được tiêu thụ. Quý II được ghi nhận là quý có số lượng căn hộ cao cấp mở bán theo quý đứng thứ hai trong lịch sử thị trường BĐS.

                                                                                                                                     Buildtech.com.vn

Login Form