Tin mới

Dự án Nhà Quốc hội sẽ được vận hành vào tháng 9

Sáng 4/8, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã thị sát, làm việc với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Nhà Quốc hội về tình hình thực hiện tiến độ của dự án này.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, phó thủ tướng nhấn mạnh công trình Nhà Quốc hội là một dự án lớn, có ý nghĩa chính trị đặc biệt quan trọng của đất nước. Để đảm bảo việc bàn giao, vận hành dự án vào giữa tháng 9 và đưa vào sử dụng phục vụ kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII thì các đơn vị cần nêu cao quyết tâm và xác định rõ trách nhiệm đối với công trình mang tính chất biểu tượng quốc gia này. Được biết đến nay các hạng mục công trình Nhà Quốc hội đã cơ bản hoàn thành, các phụ kiện cũng đang được khẩn trương lắp đặt. Tuy nhiên, tổng thể tiến độ các gói thầu của dự án Nhà Quốc hội còn chậm so với kế hoạch.

                                                                                                                                  Buildtech.com.vn

Bất động sản du lịch: Tháo gỡ rào cản để phát triển đúng tiềm năng

Bất động sản du lịch là loại hình bất động sản mới được đầu tư mạnh thời gian gần đây. Theo nhận định của các chuyên gia, muốn phân khúc này phát triển đúng với tiềm năng thì chúng ta phải tháo gỡ được nhiều rào cản.

Bất động sản du lịch đối mặt nhiều thách thức

Đúc rút từ thực tế, ông Thân Thành Vũ, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Bất động sản du lịch Việt Nam phân tích, một dự án resort 4 – 5 sao, trung bình khoảng 10ha, với khoảng 300 phòng, phải mất hơn 167 tháng (gần 14 năm) từ khi xuất hiện ý tưởng đến khi đi vào hoạt động. Nhà đầu tư không trường vốn có thể bị “đứt gánh giữa đường”.

Cũng theo ông Vũ, các nhà phát triển bất động sản du lịch tại Việt Nam đang phải đối mặt 15 rủi ro. Trong đó có thể kể đến, rủi ro thị trường, tỉ giá hối đoái, rủi ro nguồn nhân lực, thay đổi chính sách vĩ mô, các hạn chế về visa, cơ sở hạ tầng, hạn chế về quyền sở hữu, quy hoạch không phù hợp, thiếu minh bạch, quy định pháp luật rối rắm và thường xuyên thay đổi, thủ tục nhiêu khê, kéo dài…

Đã có thời kỳ, các địa phương đều đua nhau làm bất động sản du lịch. Nhưng đến nay, nhiều nơi, số lượng dự án “đắp chiếu” rất lớn so với dự án đã đi vào hoạt động. Đà Nẵng là một trong những địa phương điển hình về tình trạng này. Con đường ven biển từ Đà Nẵng vào Hội An, Quảng Nam từng được mệnh danh là cung đường 5 sao, giờ vẫn la liệt dự án bỏ hoang. Chỉ một số ít chủ đầu tư có tiềm lực, tận dụng được thời điểm “sốt” trước đây mới may mắn hoàn thành dự án. Tình hình tương tự cũng diễn ra tại các tỉnh ven biển như Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận…

Tiềm năng bất động sản du lịch còn bỏ ngỏ

Xếp hạng của Tổ chức Du lịch thế giới năm 2013, Việt Nam đứng thứ 8 về tiềm năng phát triển du lịch nhưng thực trạng phát triển du lịch chỉ đứng thứ 89 trong số 185 quốc gia được đánh giá. Khoảng các giữa tiềm năng và thực tế vẫn còn quá xa.

Nhìn ở tiến độ triển khai và thanh khoản các dự án, có thể thấy bức tranh bất động sản du lịch không có nhiều điểm sáng. Tại Đà Nẵng, thông tin công bố từ CBRE hồi Quý I/2014 cho biết, ở thị trường căn hộ, số lượng giao dịch thành công trong Quý I/2014 giảm mạnh 34% so với Quý I/2013; thị trường biệt thự bán khá ảm đạm trên phương diện nguồn cung mới và hoạt động bán hàng. Thanh khoản tốt được ghi nhận tại các dự án thuộc phân khúc đất nền giá rẻ ven biển, phía Nam Đà Nẵng.

Tại Nha Trang, báo cáo nghiên cứu thị trường nhà ở do Savills Việt Nam thực hiện, cho rằng, phần lớn các dự án tập trung dọc theo bờ biển, cách bãi biển từ 1-2 km và khá nhiều trên đường Trần Phú. Trong tương lai, Nha Trang sẽ phải cạnh tranh gay gắt với Cam Ranh/Bãi Dài nơi có nhiều dự án biệt thự nghỉ dưỡng và các khách sạn từ 4-5 sao. Tuy nhiên, hiện tại thì tiến độ xây dựng của các dự án ở Cam Ranh khá chậm.

Ông Văn Dũng Chinh, Giám đốc Sàn Giao dịch Bất động sản Cát Lợi cho biết, các dự án căn hộ khách sạn (condotel) dọc đường Trần Phú, Nha Trang hiện thanh khoản khá tốt. Khách mua phần lớn đến từ Hà Nội, đặc biệt có dự án tăng giá mạnh, nhà đầu tư mua đi bán lại đến đời thứ 4.

Theo ông Nguyễn Nam Hiền, Q.TGĐ Hưng Thịnh Land, với nhiều bãi biển, vịnh đẹp, điều kiện tự nhiên thuận lợi, nếu được ưu tiên phát triển thì du lịch Việt Nam sẽ sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Khác với Đà Nẵng và Nha Trang, Phú Quốc là một điểm đến còn hoang sơ, chưa phát triển. Báo cáo mới đây của CBRE cho biết, về cơ sở hạ tầng, tiến độ làm đường nhựa kết nối các khu vực rất chậm. Phú Quốc vẫn thiếu bệnh viện đạt tiêu chuẩn quốc tế, siêu thị và các chuỗi bán lẻ, câu lạc bộ, quán bar phục vụ khách du lịch.

Theo ông Nguyễn Thành Luân, Giám đốc Sàn giao dịch BĐS Phú Quốc (ViViLand), lượng du khách đến Phú Quốc so với Nha Trang hay Đà Nẵng còn khá khiêm tốn. Tuy nhiên, với lợi thế tự nhiên sẵn có, giá đất rẻ, ưu đãi chính sách tạo nên tiềm năng phát triển mạnh cho vùng đất này.

Cũng theo ông Luân, các tín hiệu mới về nguồn điện quốc gia, số lượng chuyến bay tăng lên, cùng với việc các dự án lớn của Tập đoàn Vingroup tại Bãi Dài, Salinda ở Dương Tơ, Quý Hải Mecure…đẩy mạnh đầu tư thi công đã kéo theo một lượng lớn nhà đầu tư cá nhân “ăn theo” những dự án này.

Ông Đỗ Công Quyền, Giám đốc Sàn Giao Dịch Bất Động Sản MEKONGLAND (Phú Quốc), chia sẻ, các dự án bất động sản nghỉ dưỡng tại Phú Quốc đa phần vẫn chưa có hàng để bán. Tuy nhiên, giao dịch đất nền từ đầu năm 2014 diễn ra rất sôi động, vị trí đẹp như mặt biển Trần Hưng Đạo gần như không còn đất để bán. Cùng với thanh khoản tốt, giá bán cũng tăng nhanh, có khu vực đã tăng từ 4 triệu/m2 lên 6-7 triệu/m2 chỉ trong một thời gian ngắn.

Theo các nhà môi giới tại Phú Quốc, giao dịch đất nền với giá trị trên dưới 50 tỷ mới diễn ra nhiều từ đầu năm 2014 trở lại đây. Nhà đầu tư cá nhân đa phần đến từ Hà Nội, mua để xây khách sạn cho thuê. Ông Đỗ Công Quyền nhận định, nhà đầu tư phía Bắc luôn là những người đón đầu chính sách. Thông tin Đề án thành lập "Đặc khu Hành chính Kinh tế Phú Quốc" cùng với sự xuất hiện của các tập đoàn bất động sản là những yếu tố thúc đẩy giao dịch của các nhà đầu tư.

Tiềm năng phát triển bất động sản du lịch là điều dễ nhận thấy. Tuy nhiên, điều này có sớm trở thành hiện thực hay không còn phụ thuộc vào sự thay đổi chính sách, quy hoạch đồng bộ và tầm nhìn nhất quán từ những nhà quản lý.

                                                                                                            Buildtech.com.vn

Tp.HCM: Đời sống của dân TĐC còn bấp bênh hơn trước khi di dời

Trong quá trình phát triển của Tp.HCM, cùng với việc hàng loạt các dự án được xây dựng là tình trạng hàng nghìn người dân phải di dời chỗ ở. Tp.HCM luôn luôn chủ trương tổ chức cuộc sống người dân tái định cư (TĐC) tốt hơn trước, nhưng trên thực tế thì cuộc sống của người dân vẫn gặp nhiều khó khăn, thậm chí còn khó hơn trước khi di dời…

Thu nhập giảm sút

Ông Trần Văn Thận, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Tp.HCM (HIDS) cho biết, theo kết quả điều tra xã hội học của viện thực hiện tại 8 quận, huyện với 498 hộ mẫu, cuộc sống người dân sau TĐC phải đối mặt với khá nhiều khó khăn, đặc biệt là trong vấn đề tìm việc làm, thu nhập, điều kiện nhà ở.

Theo đó, khảo sát 1.923 người từ 15 tuổi trở lên thì có 1.089 người có việc làm, chiếm tỷ lệ gần 57% và 834 người không có việc làm, chiếm hơn 43%. Đáng lưu ý, trong số những người có việc làm thì chỉ có gần 24% được đào tạo nghề và có đến hơn 76% số còn lại chưa được đào tạo để có một chuyên môn nào đó. Tự đánh giá việc làm, đa phần người dân đánh giá là không thay đổi (hơn 77%), 9% người dân cho rằng cải thiện hơn nhưng có 14% đánh giá là giảm sút. Nguyên nhân giảm sút là do việc di dời chỗ ở.

Về thu nhập bình quân hằng tháng, 14% người được khảo sát cho rằng thu nhập sau khi TĐC có cải thiện hơn, 57% cho rằng thu nhập không tăng lên và 29% cho rằng giảm sút. Đáng lưu ý, phần lớn ý kiến cho rằng thu nhập tăng lên là do nhận tiền đền bù phù hợp nên có khoản tiền lớn để trang trải cuộc sống. "57% cho rằng thu nhập không tăng lên là kết quả đáng lưu ý bởi khi thu nhập có chiều hướng giữ nguyên, thậm chí giảm xuống thì khả năng thích ứng với biến động chỗ ở, biến động môi trường sống sẽ gặp nhiều trở ngại, đặc biệt là với phần lớn người dân TĐC có trình độ học vấn không cao, lao động trong các ngành nghề tự do, bấp bênh", ông Trần Văn Thận nhấn mạnh. Ông Thận nhận định, thực tế đa số người dân TĐC vẫn đi về nơi cũ làm các nghề thu nhập giản đơn để bảo đảm thu nhập nên cần đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với giải quyết công ăn, việc làm cho người dân để họ ổn định cuộc sống.

Quỹ nhà tái định cư còn chậm

Khảo sát cũng cho thấy chỉ có 3,6% số hộ định cư trên nền nhà hoặc được bố trí chung cư TĐC của dự án; hơn 46% có nhà riêng và 44% còn lại là ở nhà thuê, mượn… Ông Hứa Ngọc Thảo, Phó Chủ tịch UBND quận 2, địa phương có nhiều người dân di dời cũng cho biết, công tác chuẩn bị quỹ nhà TĐC còn chậm, không đồng bộ với tiến độ thu hồi đất. Chính vì vậy phải xây dựng và sửa chữa quỹ nhà tạm cư cho người dân ở trong thời gian chờ bố trí nền đất, căn hộ TĐC, dẫn đến tình trạng tạm cư kéo dài. Mặt khác, nhiều khu TĐC đã đưa vào sử dụng nhưng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, các thiết chế về văn hóa, y tế chưa được kết nối nên người dân cũng không chịu dọn về đây để sống.

Theo ông Trần Văn Thận, để làm tốt công tác TĐC thì phải nắm được nhu cầu, nguyện vọng của người dân và trên cơ sở đó sắp xếp nơi ở TĐC phù hợp. Nguyện vọng của người dân TĐC luôn là TĐC tại chỗ để thuận tiện cho việc ổn định cuộc sống, thu nhập, đi lại, học hành. Trong khi đó, đa phần việc bố trí TĐC quá xa chỗ cũ như các hộ dân ở quận 1, 5, 6, 7, 8… được bố trí về các chung cư TĐC ở Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh), chung cư An Sương (quận 12) khiến cuộc sống của họ có nhiều xáo trộn.

Theo ông Trần Văn Thận, một vấn đề khá quan trọng khi thực hiện khảo sát cho thấy, đối với người dân có đất thu hồi trước năm 2010, Nhà nước thực hiện chính sách bố trí nhà TĐC thì chất lượng nhà ở được cải thiện hơn so với trước. Tuy nhiên, khi Nhà nước đền bù theo giá thị trường và để người dân tự quyết định lựa chọn nhà ở thì điều kiện nhà ở lại giảm sút. Lý do là một số hộ dân diện tích được bồi thường nhỏ nên không đủ tiền mua nhà mới khang trang hơn hoặc một số hộ dân sử dụng tiền đền bù vào mục đích khác. Vì vậy, chính sách đền bù theo giá thị trường có lợi cho người dân nhưng cũng cần xem xét và đánh giá từng đối tượng để định hướng; đồng thời có chính sách hỗ trợ cho người dân được tiếp cận với nhà ở tốt hơn.

                                                                                                                 Buildtech.com.vn

Hà Nội: Quận Hoàng Mai giữ kỷ lục về số dự án BĐS đang triển khai

Hiện quận Hoàng Mai có tới 97 dự án đang triển khai. Mới đây, lãnh đạo Hà Nội vừa yêu cầu quận này sớm tháo gỡ vướng mắc trong GPMB cho hàng loạt dự án “treo” trong suốt thời gian qua.

Hoàng Mai được xem là một quận có tốc độ đô thị hóa rất nhanh với nhiều dự án đầu tư liên quan đến thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Hiện trên địa bàn quận Hoàng Mai, Hà Nội đang triển khai 97 dự án với tổng diện tích thu hồi gần 1.200 ha, với diện tích đã thu hồi 600 ha, liên quan tới 22 nghìn hộ dân. Tuy nhiên quá trình thực hiện công tác GPMB các dự án đã phát sinh nhiều vướng mắc, khiếu nại của người bị thu hồi đất làm chậm tiến độ dự án.

Nguyên nhân được xác định do lịch sử công tác quản lý đất đai tại địa phương qua nhiều thời kỳ, thậm chí còn bị buông lỏng, thiếu sự giám sát của các cơ quan quản lý tại địa phương… Với hàng loạt dự án lớn nhỏ đang gặp nhiều vướng mắc ngay ở khâu GPMB, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh vừa đưa ra những yêu cầu cụ thể đối với đối với hàng chục dự án lớn trên địa bàn quận Hoàng Mai.

Đối với khu đô thị Đại Kim – Định Công, lãnh đạo Hà Nội yêu cầu chủ đầu tư phải có trách nhiệm rà soát lại phương án di dời các tổ chức sử dụng đất trong phạm vi dự án, giải quyết việc di chuyển địa điểm sử dụng đất tái định cư cho Công ty 492 – Bộ Quốc phòng.

Đối với 46 hộ dân phường Hoàng Văn Thụ nằm trong dự án khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai có trách nhiệm lập, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân có đất nông nghiệp cá thể thuộc phạm vi dự án. Liên quan đến các hộ dân phường Thịnh Liệt, UBND quận Hoàng Mai có trách nhiệm rà soát nguồn gốc, thực tế quá trình ăn ở hợp pháp của các hộ dân tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, việc mua bán chuyển nhượng cho tặng, chia tách để đưa ra từng chế tài cụ thể.

Tại dự án khu đô thị mới Thịnh Liệt, hiện được khởi công từ năm 2008, nhưng hiện vẫn đang vướng mắc về điều chỉnh quy hoạch dự án, lãnh đạo Hà Nội giao nhiệm vụ cho Sở QH&KT điều chỉnh quy hoạch chi tiết dự án và báo cáo Chủ tịch TP xem xét.

Việc bồi thường, hỗ trợ các trường hợp chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lãnh đạo Hà Nội yêu cầu quận Hoàng Mai làm rõ căn cứ pháp lý để xem xét, giải quyết các trương hợp cụ thể…

Một số công trình lớn khác như dự án thoát nước Hà Nội, dự án xây dựng đường vành đai 2.5, khu đô thị Tây Nam Kim Giang I, hàng loạt khu tái định cư đường vành đai 3... cũng đang gặp nhiều vướng mắc trong khâu GPMB. Lãnh đạo Hà Nội yêu cầu chủ đầu tư và UBND quận Hoàng Mai sớm có giải pháp tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ dự án theo kế hoạch đề ra.

                                                                                                                                     Buildtech.com.vn

So sánh thú vị về tiềm năng du lịch giữa Đà Nẵng, Phú Quốc với Bali, Phuket

Tại Bali, khách du lịch có nhiều lựa chọn cho chuyến du lịch của mình: du lịch biển, du lịch phật giáo, du lịch tâm linh,… Ở Đà Nẵng, du lịch biển là lựa chọn duy nhất.

Ông Askhay Kulkarni – Giám Đốc Dịch vụ tư vấn Bất động sản khách sạn - nghỉ dưỡng Cushman & Wakefield khu vực Nam và Đông Nam Á đã có những so sánh thú vị về tiềm năng du lịch của Đà Nẵng, Phú Quốc so với các địa điểm du lịch biển khác như Phuket, Bali. 



"Tôi nghĩ mỗi địa điểm có một lợi thế riêng, phần lớn các khu nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng chỉ tập trung khai thác loại hình du lịch biển là chủ yếu. trong khi tại Bali thì có đầy đủ biển – núi – rừng. Vì điều này mà nếu như so sánh Đà Nẵng với Phuket hay Bali, du khách chỉ có thể ở lại Đà Nẵng từ ba đến bốn ngày, trong khi họ hoàn toàn có thể lưu lại Phuket hay Bali bảy ngày, thậm chí hai mươi ngày", ông Askhay Kulkarni cho biết.

Cũng theo ông  Askhay Kulkarni, một điểm hấp dẫn nữa tại Bali là khách du lịch nước ngoài được phép mua và sở hữu nhà ở tại ốc đảo này. Bali tận dụng mọi ưu thế để tiếp thị hình ảnh của một ốc đảo du lịch, nhất quán từ trung tâm thành phố đến các đảo, mỗi một địa điểm bạn đến là có một sự trải nghiệm khác nhau. 

Tại Bali, khách du lịch có nhiều lựa chọn cho chuyến du lịch của mình: du lịch biển, du lịch phật giáo, du lịch tâm linh,… Ở Đà Nẵng, du lịch biển là lựa chọn duy nhất. Đặt chân xuống sân bay Đà Nẵng, nhân viên khu nghỉ dưỡng/ khách sạn đón và đưa bạn đến khu nghỉ dưỡng/ khách sạn. Ở Bali, khi bạn đặt chân đến là đã có cảm giác đây là nơi bạn thỏa thích cho chuyến du lịch của mình, bạn có thể đi bất cứ đâu bạn muốn bởi toàn bộ ốc đảo phục vụ khách du lịch. 

Đối với khách du lịch, ấn tượng về Đà Nẵng khó mà định hình cụ thể - Một thành phố lớn đang hình thành? Hay là một địa điểm du lịch hạng sang? Hãy chọn một hướng đi và tập trung vào nó, đây là điều mà các nhà phát triển nên xem xét. Có phần khập khiễng khi so sánh một ốc đảo du lịch đã phát triển được 20 năm như Bali với thành phố mới bắt đầu thu hút khách du lịch trong một vài năm gần đây như Đà Nẵng. Tuy nhiên, nếu Đà Nẵng không có một chiến lược phát triển tập trung, thành phố này khó có thể đón những du khách trở lại lần sau.

Còn đối với Phú Quốc, xét về quang cảnh tự nhiên thiên nhiên thì có thể ngang bằng, nhưng xét về cơ sở hạ tầng và chất lượng du lịch, Phú Quốc cần học hỏi thêm kinh nghiệm phát triển từ Bali. "Tôi nhấn mạnh một lần nữa tầm quan trọng của một chiến lược phát triển dài hạn và nhất quán", ông Askhay Kulkarni cho biết.

Nếu một địa điểm du lịch không hoàn thiện về chất lượng cũng như cơ sở hạ tầng, địa điểm này sẽ mau chóng bị lãng quên và bị thay thế bởi những địa điểm khác mới mẻ và tiện ích hơn. Ví dụ như Lombok và Bali, cùng là đảo biển, cùng có hệ sinh thái biển – núi – rừng, cùng là điểm đến du lịch nhưng Lombok không thu hút khách du lịch nhiều như Bali. Lý do thứ nhất là cơ sở hạ tầng nghèo nàn, giao thông không thuận tiện như Bali. Đến Lombok, khách du lịch không biết phải làm gì ngoài nghỉ ngơi tại khu nghỉ dưỡng, xung quanh không có dịch vụ vui chơi giải trí. 

Theo ông Askhay Kulkarni, Đà Nẵng cũng nên xem xét giải quyết vấn đề này. Khách du lịch đến khu nghỉ dưỡng, chỉ có thể trải nghiệm các món ăn trên đường Sơn Trà Điện Ngọc dọc bãi biển nhưng khi vào thành phố, không có nhiều lựa chọn vui chơi cho họ trải nghiệm. Phát triển thành một thành phố lớn hay là một trung tâm du lịch, Đà Nẵng nên chỉ theo đuổi một trong hai mục tiêu này. 

Hơn thế nữa, xung quanh khu nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng không có nhiều hoạt động vui chơi giải trí. Thêm vào đó, bước ra khỏi một khu nghỉ dưỡng hạng sang, khách du lịch không có nhiều lựa chọn thích hợp với nhu cầu của họ. Không có cửa hàng bán lẻ tiện tích, không có shop thời trang hàng hiệu, xung quanh các khu nghỉ dưỡng hạng sang tại Đà Nẵng là những hàng quán của người dân địa phương. Sự kết hợp này không tương thích và hoàn toàn lãng phí tiềm năng du lịch.

"Ở Bali, cơ sở hạ tầng hoàn thiện hơn, hoạt động du lịch đa dạng với vô vàn những lựa chọn cho khách du lịch. Tôi có thể đến Bali bốn lần trong năm mà vẫn có nhiều những trải nghiệm mới.  Nói về tiềm năng phát triển du lịch, điều quan trọng nhất chính là cung cấp sự trải nghiệm thích thú cho du khách, điều này sẽ mang họ quay trở lại", ông Askhay Kulkarni cho biết.

                                                                                               Buildtech.com.vn

Login Form